Thực hành thiền – Nhập môn

Hẳn bạn đã nghe rất nhiều trên báo, đài, tivi về lợi ích của Thiền. Vậy, Thiền là gì?

Đây là một phương pháp luyện tập về tinh thần và thể chất có từ lâu đời được sử dụng để tăng sự bình tĩnh và thư giãn thể chất, cải thiện sự cân bằng về tâm lý, đối phó với bệnh tật và tăng cường sức khỏe tổng thể và cảm giác hạnh phúc.

Thiền có thể là một văn hóa truyền thống cổ xưa, nhưng nó vẫn được thực hành trong các nền văn hóa hiện đại trên toàn thế giới để tạo ra cảm giác bình tĩnh và hài hòa về mặt nội tâm cho con người. Mặc dù việc thực hành thiền có mối liên hệ với nhiều giáo lý tôn giáo khác nhau, nhưng thiền định không liên quan đến đức tin mà thiên về thay đổi ý thức, tìm lại nhận thức và đạt được trạng thái bình an. Ngày nay, với nhu cầu giảm căng thẳng giữa lịch trình bận rộn và cuộc sống vội vã đòi hỏi nhiều hơn, thiền đang ngày càng phổ biến.

Mặc dù không có cách thiền đúng hay sai, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tìm một phương pháp thực hành đáp ứng nhu cầu và bổ sung cho tính cách của chính mình. Có chín kiểu thực hành thiền phổ biến:

  • Thiền chánh niệm
  • Thiền định tâm linh
  • Thiền tập trung
  • Thiền chuyển động
  • Thiền thần chú
  • Thiền siêu việt
  • Thư giãn tiến bộ
  • Thiền tâm từ
  • Thiền quán tưởng

Không phải tất cả các phong cách thiền đều phù hợp được với tất cả mọi người. Những thực hành này cần đòi hỏi các kỹ năng và tư duy khác nhau. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm hiểu có thể áp dụng loại thiền phù hợp.

Nếu bạn chưa từng thiền thì có thể bắt đầu như sau: chọn một nơi yên tĩnh, thoáng đãng và đảm bảo là bạn sẽ không bị làm phiền giữa chừng. Ngồi theo bất kỳ tư thế nào bạn cảm thấy thoải mái nhất. Bạn có thể ngồi khoanh chân, lưng thẳng, hai bàn tay đặt trên đầu gối – tư thế điển hình bạn thấy trong các quảng cáo về thiền và yoga. Bạn cũng có thể ngồi dựa lưng vào ghế, để chân chạm đất. Bạn cũng có thể nằm, duỗi thẳng tay chân. Tóm lại là bất cứ tư thế nào khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất và đảm bảo cột sống của bạn ở tư thế thẳng đứng. Bạn hãy bật các nhạc dẫn thiền – có sẵn rất nhiều trên Youtube. Hãy chọn thời lượng từ mười đến mười lăm phút khi bạn mới bắt đầu học thiền và hai mươi đến ba mươi phút khi bạn đã nắm được cơ bản và muốn thiền lâu hơn. Các nhạc dẫn thiền này thường có nhịp điệu chậm rãi, giúp cho nhịp thở và nhịp tim của các bạn điều hòa với nhịp nhạc. Nhiều video cho tiếng nhạc hòa cùng các âm thanh tự nhiên như tiếng sóng biển, tiếng mưa, tiếng rừng nhiệt đới hay tiếng suối chảy róc rách. Các bạn có thể dùng tai nghe để tăng hiệu ứng âm thanh.

Hít chậm bằng mũi một hơi thật sâu, thở ra chậm và từ từ bằng miệng, lặp lại ba lần. Sau đó thật từ từ, hãy tìm đến nhịp thở phù hợp nhất với bạn – đó chính là nhịp điệu nội tại của bạn, nhịp điệu khiến bạn cảm thấy dễ chịu và hài hòa nhất. Nhẹ nhàng hít vào và thở ra bằng mũi. Hãy để bản thân chìm trong tiếng nhạc dẫn và tưởng tượng bạn đang ngồi dưới gốc cây bên bờ suối, hoặc đang thiền trên bãi cát bên bờ biển sóng vỗ rì rào, hoặc đang ngồi trên bãi cỏ xanh mướt trong một khu vườn rộng. Hãy tưởng tượng bạn ngồi đó, hòa làm một với thiên nhiên và năng lượng chữa lành của thiên nhiên đang bao bọc bạn, tiếp cho bạn thêm sức mạnh. Hãy cảm nhận sự bình an tràn ngập cơ thể bạn. Những dòng suy nghĩ sẽ đi đi lại lại trong đầu. Đừng ngăn những suy nghĩ này, hãy cứ để chúng đến, quan sát chúng, không phán xét, và để chúng trôi đi như những áng mây. Hãy để chúng đến rồi đi như những con sóng biển – vỗ vào bờ rồi lại trôi ra xa… Việc của bạn là tập trung vào hơi thở, cảm nhận không khí mát lạnh đi vào hai lỗ mũi, căng đầy lồng ngực bạn. Và khi thở ra, cảm nhận ngực bạn xẹp xuống, khí đi ra mang theo hơi ấm của cơ thể bạn. Hãy cảm nhận sự phập phồng của cánh mũi, cảm giác lạnh – ấm ở rìa trong của lỗ mũi khi bạn hít vào và thở ra.

Bạn là hơi thở của bạn.

Hãy giữ cho nhịp thở đều đặn và hài hòa. Mỗi khi suy nghĩ nào đó lôi kéo sự tập trung của bạn, hãy nhẹ nhàng để chúng trôi đi, và lại tập trung vào hơi thở. Lặp đi lặp lại như vậy.

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Bạn cần một bản hướng dẫn chi tiết cách tự chữa lành rối loạn lo âu? Hãy đặt mua cuốn sách “Cuộc Hành Trình” tại đây:

Cuộc hành trình – KELAM CENTER

Mình đã tự vượt qua chỉ sau 6 tháng. Bạn cũng sẽ làm được!

Để lại một bình luận